Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

Xe container gây tai nạn thảm khốc: Ai phải bồi thường cho nạn nhân?


Liên quan đến vụ tài xế container đâm vào 21 xe máy khiến 4 người chết, 18 người bị thương tại Long An mới đây, dư luận đặt câu hỏi: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN.

Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ tài xế Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, trú tại huyện Bến Lức) để điều tra. Kết quả xét nghiệm của tài xế này cho thấy Hiếu dương tính với heroin, âm tính với các loại ma túy tổng hợp khác.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, luật sư Nguyễn Anh Thơm nói: “Điều 601, Bộ luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Theo đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Theo luật sư Anh Thơm, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại này không phụ thuộc vào việc chủ xe có mặt trên xe hay không mà dựa vào việc ai là người đang chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó. Nếu người gây tai nạn là người được thuê lái xe thì không phải là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe, mà chủ xe mới là người chiếm hữu, sử dụng. Do đó, chủ xe là người bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn.

Chủ phương tiện có thể khởi kiện lái xe để giải quyết đòi lại số tiền đó ở vụ kiện dân sự khác, nếu có yêu cầu. Trường hợp không khởi kiện thì hai bên thỏa thuận về số tiền bồi thường. Nguyên tắc là xét trên cơ sở chủ phương tiện là người có điều kiện để để bồi thường.

Thông tin ban đầu của lực lượng chức năng tỉnh Long An, xe container còn hạn kiểm định đến cuối tháng 3, chủ xe đăng ký là Công ty TNHH Thạnh Đức. Theo Tiến sĩ - Luật sư Lê Văn Thiệp (Văn phòng luật sư Toàn Cầu), nếu lãnh đạo công ty biết tài xế Phạm Thành Hiếu có dùng ma túy mà vẫn giao xe container thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ, quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù 7 năm nếu hành vi của người được giao xe gây tai nạn làm chết từ 3 người trở lên.

“Trường hợp công ty sở hữu không biết tài xế có những dấu hiệu sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích, thì doanh nghiệp vẫn phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự trong vụ án”, luật sư Thiệp nói.

Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) đã bày tỏ quan điểm: Ngoài trách nhiệm hình sự, tài xế container còn phải chịu trách nhiệm về dân sự theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là xe container là nguồn nguy hiểm cao độ, vậy nên căn cứ Điều 601 BLDS 2015 thì "Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".



Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng. Ảnh: Dân trí.

Chủ sở hữu chiếc xe container trong tai nạn thảm khốc ở Long An là Công ty Thạnh Đức. Theo quy định của pháp luật dân sự, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại này phải dựa vào việc ai là người đang chiếm hữu, sử dụng chiếc xe này. Như vậy, nếu người gây tai nạn là người được thuê lái xe thì không phải là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe mà chủ xe mới là người có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng.

Do đó trong trường hợp này, chủ xe là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn. Chủ phương tiện có thể khởi kiện lái xe để giải quyết đòi lại số tiền bồi thường ở vụ kiện dân sự khác (nếu có yêu cầu). Trường hợp không khởi kiện thì hai bên thỏa thuận về số tiền bồi thường. Nguyên tắc là xét trên cơ sở chủ phương tiện là người có điều kiện để bồi thường.

Một số luật sư cũng đề cập tới một trường hợp khác là chủ xe có mua bảo hiểm 2 chiều hay không? Nếu có mua bảo hiểm trách nhiệm 2 chiều thì trường hợp này việc bồi thường cho các nạn nhân cũng sẽ được xem xét theo hợp đồng bảo hiểm mà chủ xe đã ký với công ty bảo hiểm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét