Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Nga mở rộng căn cứ Hmeymim-Tartous, vị thế độc bá Trung Đông



Nga mở rộng căn cứ không-hải quân ở Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga và Bộ Ngoại giao đàm phán với Syria về việc chuyển nhượng thêm các khu bất động sản và vùng nước ở ven bờ đông Địa Trung Hải, mệnh lệnh liên quan được công bố trên cổng thông tin pháp lý chính thức.

"Chấp nhận đề nghị của Chính phủ Liên bang Nga về việc ký Nghị định thư số 1 về thỏa thuận giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Ả Rập Syria ký ngày 26 tháng 8 năm 2015 nhằm triển khai nhóm hàng không của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga trên lãnh thổ Cộng hòa Ả Rập Syria" - trích chỉ thị của tổng thống .




Advertisement: 24:33







Ông Putin đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng tổ chức các cuộc hội đàm với phía Syria với sự tham gia của Bộ Ngoại giao và sau khi đạt được thỏa thuận, thay mặt Liên bang Nga ký kết nghị định thư.

Đồng thời, tổng thống Putin cũng cho phép các cơ quan chức năng cấp dưới có thể tự thực hiện các thay đổi cho dự án được chính phủ Liên bang Nga phê duyệt, nếu đây không phải là những thay đổi mang tính nguyên tắc.

Được biết, nhóm hàng không thuộc Lực lượng hàng không vũ trụ Nga tại Syria được thành lập vào ngày 30 tháng 9 năm 2015 với mục đích tiến hành hoạt động hỗ trợ lực lượng chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, theo lời mời chính thức của chính quyền Damascus.

Theo thỏa thuận giữa Liên bang Nga và chính phủ Syria ký tại Damascus ngày 26 tháng 8 năm 2015 (trước khi Nga chính thức đưa quân sang Syria ngày 30/9/2015, hơn 1 tháng), nhóm hàng không vũ trụ Nga được triển khai vô thời hạn trên lãnh thổ của căn cứ không quân Hmeymim thuộc tỉnh Latakia, ở phía tây bắc Syria, giáp bờ biển Địa Trung Hải.

Tiếp theo, vào năm 2017, Liên bang Nga và Syria tiếp tục ký kết thỏa thuận về căn cứ hải quân Tartous thuộc tỉnh Latakia. Thỏa thuận này được ký kết trong thời hạn 49 năm và được tự động gia hạn thêm 25 năm nữa, tức là Nga có thể hiện diện quân sự ở Syria cho tới cuối thế kỷ 21.

Theo nội dung của thỏa thuận, lực lượng hải quân thường trực của Nga có thể hiện diện thường trực 11 tàu tại căn cứ Tartus, bao gồm cả những tàu được trang bị động cơ hạt nhân và cả tàu sân bay. Ngoài ra, Nga còn có kế hoạch mở rộng khả năng sửa chữa tàu của căn cứ.

Được biết, ngoài kế hoạch mở rộng hai căn cứ Hmeymim và Tartous, Nga còn có ý định triển khai một căn cứ không quân và một căn cứ hải quân ở đảo Síp, cách bờ biển Syria hơn 200km. Tuy nhiên, kế hoạch này tiến triển đến đâu thì chưa có thông tin cụ thể.

Nga đang nỗ lực mở rộng cả 2 căn cứ không quân và hải quân ở Syria


Nâng cao khả năng kiểm soát Địa Trung Hải

Vừa qua Nga cũng đang ráo riết thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân Địa Trung Hải với khoảng 10 tàu chiến hiện diện thường trực ở vùng biển này, theo mô hình Liên đội số 5 Địa Trung Hải dưới thời Liên Xô, với đối thủ chính là Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô đã duy trì Liên đội Địa Trung Hải số 5 từ năm 1967 đến 1992. Liên đội này bao gồm từ 30-50 tàu chiến thường trực (gồm cả tàu ngầm), lúc cao điểm lên tới gần 100 chiếc, vào thời điểm “Cuộc chiến Yom Kippur” tháng 10/1973.

Với việc mở rộng các căn cứ quân sự ở Syria, với sự hiện diện của các máy bay chiến đấu và chiến hạm thường trực, Nga sẽ có lực lượng không quân và hải quân mạnh ở Trung Đông, đặc biệt là phía đông Địa Trung Hải, hình thành một thế trận tương hỗ, tạo thành chỉnh thể thống nhất của sức mạnh quân sự Nga ở Trung Đông.

Các lực lượng này được thành lập với ý định chiến lược là: Bảo vệ Syria; kiểm soát phần đông của Địa Trung Hải; bảo vệ lối vào Biển Đen và bóp nghẹt ý đồ xâm nhập Biển Đen của hải quân Mỹ-NATO; đối phó với Hạm đội 6 và ngăn chặn đường tiếp viện của Hạm đội 5 Mỹ ở vùng Vịnh Persian, qua biển Đỏ (Hồng Hải), vượt kênh đào Suez sang Địa Trung Hải hỗ trợ cho Hạm đội 6.

Về mặt địa lý, Biển Địa Trung Hải kết nối châu Âu, châu Á và châu Phi và nằm giữa trục giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Đây là cánh phía nam khó khăn nhất của NATO, nếu để địch thủ kiểm soát Địa Trung Hải, nó có thể đe dọa các bộ phận dễ bị tổn thương nhất của NATO.

Hơn nữa, Bắc Phi và Trung Đông, nằm ben bờ biển Địa Trung Hải, là khu vực sản xuất dầu quan trọng nhất trên thế giới và có vai trò lớn đối với sự phát triển và ổn định của nền kinh tế thế giới.

Đây cũng là một đầu mối trung tâm quan trọng cho các lực lượng Nga theo phía nam xuống châu Phi và từ phía đông xâm nhập vào Ấn Độ Dương.

Một khi Nga hiện diện ở vùng biển phía Đông Địa Trung Hải và phía Tây - giáp với phía Bắc Đại Tây Dương, họ cũng sẽ kiểm soát các kênh thương mại hàng hải của Hoa Kỳ, Châu Á và Châu Âu. Ở đây, có một số lượng lớn các tàu khổng lồ vận chuyển tài nguyên, hàng hóa và các sản phẩm công nghệ khác nhau.

Ngoài ra, nếu Nga thiết lập các căn cứ quân sự ven bở đông Địa Trung Hải, họ cũng sẽ bảo tồn sự hiện diện quân sự lâu dài của mình ở vùng biển này, đồng nghĩa với việc giữ vững vị thế địa-chính trị ở Nam Âu, Trung Đông, Bắc Phi, đặc biệt là với Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Iraq, Syria, Lebanon, Ai Cập, Algeria và một số quốc gia thân thiện khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét