Theo ông Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa, Phó phụ trách Ban An toàn, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), trong mùa mưa bão, giông lốc, ngập lụt thường có nguy cơ xảy ra các sự cố liên quan đến đường dây điện, tủ điện hạ thế hoặc hệ thống điện trong gia đình có thể gây mất an toàn cho người dân. Để phòng tránh những vấn đề đó, EVNHCMC đã có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.
Không nên tự sửa chữa điện
Theo ông Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa, hiện nay có hai sự cố về điện thường gặp nhất trong mùa mưa bão. Thứ nhất, sự cố điện do cây cối, công trình kiến trúc bị gió bão quật đổ vào đường dây, cột điện… Thứ hai, sự cố rò rỉ điện trong nhà, do các thiết bị điện được lắp đặt không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, trong mùa mưa bão, điều kiện thời tiết ẩm ướt, nguy cơ chạm chập thiết bị điện gia dụng, dụng cụ điện cầm tay (máy sấy tóc, bàn ủi, máy khoan…) rất có thể xảy ra; ổ cắm điện có khả năng bị điện giật và có thể gây cháy, nổ.
Người dân nhận diện đúng các mối nguy hiểm về điện trong mùa mưa bão sẽ giúp thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa và đảm bảo an toàn điện. Trong trường hợp phát hiện sự cố điện trong nhà hoặc ngoài đường, người dân không nên tự sửa chữa khi không có kiến thức, kỹ năng và không có dụng cụ đồ nghề phù hợp, có thể gây ra tai nạn về điện. Trong trường hợp này, lập tức liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 545454 để được hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, EVNHCMC đã liên tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên, trạm biến áp. Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao… Nên ngắt nguồn điện (cầu dao, CB) nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn (tạt, dột). Tuyệt đối không được sử dụng công trình điện (trụ điện, tủ điện, trạm điện,…) làm nơi định vị các phương tiện, vật dụng, công trình dân sinh (như mái che mưa, căng dây lều bạt, làm hàng quán,…) hoặc neo đậu ghe thuyền.
Song song đó, EVNHCMC đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ tuyên truyền đến người dân về các biện pháp đảm bảo an toàn với lưới điện. Đồng thời gửi thông báo, treo biển cảnh báo cấm thả diều, không câu cá… tại nơi có đường dây cao thế đi qua để người dân biết; thống kê rà soát hành lang an toàn lưới điện cao áp các tuyến đường dây và thực hiện biện pháp cảnh báo an toàn như treo băng rôn, lắp các loại biển cảnh báo… Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra sau mưa bão, sau sự cố để phát hiện và xử lý kịp thời các bất thường trên lưới điện. Chủ động phối hợp Công ty công viên cây xanh trong công tác chặt tỉa cây đề phòng nguy cơ ngã, không đảm bảo khoảng cách an toàn gây phóng điện.
X
![](https://image.plo.vn/w800/Uploaded/2019/cqjwqcdwp/2019_11_04/8-nguy-hiem-dien_ftnf.jpg)
Trong mùa mưa bão, người dân cần chú ý những vấn đề liên quan đến sử dụng điện an toàn trong gia đình. Ảnh: ĐMC
Tủ điện trên vỉa hè có an toàn?
Ông Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa cho biết: Hệ thống lưới điện hạ thế được tổng công ty quản lý là hệ thống lưới điện có tiếp đất lặp lại nên các trụ điện, tủ điện đặt trên vỉa hè đảm bảo được cách điện an toàn, không gây nguy hiểm cho người ngồi gần các trụ điện hạ thế và các tủ điện này. Nhằm đề phòng việc xâm phạm hành lang an toàn lưới điện, EVNHCMC đã đặt biển “Cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người” trên các trụ điện của đường dây ở độ cao 2-2,5 m trở lên so với mặt đất để cảnh báo mức độ nguy hiểm khi leo lên trụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét