Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Vẫn thiếu các biện pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng


Người cao tuổi ở Việt Nam đang có tuổi thọ cao, nhưng chất lượng sống thấp, do phần lớn đều mắc bệnh mãn tính; trong khi việc chăm sóc người già tại các cơ sở y tế và cộng đồng vẫn chưa đảm bảo.
Phần lớn người cao tuổi đều mắc bệnh mãn tính.

Tuổi thọ cao, nhưng sức khỏe kém

Với tuổi thọ ngày càng tăng (trung bình đạt 73,5 tuổi), cùng với quá trình già hóa dân số, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng cao đòi hỏi những nhu cầu lớn trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ y tế hiện nay vẫn chưa đầy đủ để đảm bảo chăm sóc lão khoa ở các cơ sở y tế và ngoài cộng đồng.

TS.BS Trần Quang Thắng, trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: “Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, tỷ lệ người già trên 60 tuổi ở nước ta mắc từ 3 bệnh mãn tính trở lên chiếm khoảng 60 - 70% số lượng người cao tuổi. Thực tế này cho thấy, chất lượng sống của người cao tuổi không thể tốt khi phải mang bệnh, thậm chí, nhiều người mắc bệnh mãn tính trong người đi đâu cũng phải có dụng cụ y tế, thuốc thang đi kèm…".

Cũng theo TS.BS Trần Quang Thắng, hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi sống cùng gia đình có đông con chăm sóc như trước kia không nhiều. Người cao tuổi ở Việt Nam có điểm mạnh là thường sống trong gia đình đa thế hệ, có con cháu hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, khi đi bệnh viện vẫn gặp khó khăn vì không thể lúc nào con cháu cũng vào chăm sóc được, cần môi trường y tế có sự hỗ trợ đặc biệt. Do đó, việc đáp ứng nhu cầu của cả bệnh nhân và xã hội về chăm sóc người cao tuổi là hết sức cấp thiết.

Hiện mới chỉ có khoảng 40% bệnh viện trên cả nước có khoa lão, hệ thống lão khoa trong cả nước vẫn chưa được hoàn thiện. Trong khi đó, điều kiện để hoàn thiện là từ các bệnh viện cấp tỉnh phải có khoa lão riêng để giải quyết các vấn đề cấp tính cho người cao tuổi. Đồng thời, khi bệnh nhân trở lại cộng đồng thì phải có các trung tâm dưỡng lão, chăm sóc người cao tuổi đáp ứng nhu cầu. Do đó, mới chỉ đáp ứng cho một số ít người có điều kiện kinh tế mà chưa thể phổ biến rộng rãi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét